Nhà thờ Tiến sỹ Đinh Văn Chất – Nơi kết tinh nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp

Thứ ba - 17/12/2024 21:06
Dòng họ Đinh Văn tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc là dòng họ có lịch sử lâu đời với gần 500 năm tồn tại và phát triển, đến nay dòng họ đã trải qua 19 đời, phát triển thành 6 chi và nhiều nhánh, phái nhỏ. Quá trình tồn tại và phát triển, dòng họ Đinh Văn đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó tiêu biểu là truyền thống yêu nước, hiếu học và khoa bảng. Vào thời Lê Trung Hưng dòng họ có ông Đinh Văn Thực giữ chức Phó Thiên hộ, được sắc phong Tráng tiết Tướng quân. Đến thời Nguyễn, dòng họ có nhiều người làm quan, giữ chức vụ trong triều đình như ông Đinh Hồng Phiên từng làm Phó sứ, Toản tu Quốc sử quán, Tiến sỹ Đinh Văn Phác giữ chức Tri phủ Bình Thuận...
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, con cháu dòng nhiều người hăng hái lên đường bảo vệ tổ quốc, trong đó có 40 người đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, quê hương.
Một truyền thống quý báu, đồng thời là nét văn hóa ngời sáng của dòng Họ Đinh Văn xã Nghi Long là truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ đạt cao, trong đó có nhiều người đậu Tú tài,  Hương cống, Tiến sỹ... Đặc biệt, có 4 đời trong một gia đình cùng đậu Tiến sỹ là: Tiến sỹ Đinh Văn Phác, Tiến sỹ Đinh Văn Chất , Tiến sỹ Đinh Văn Chấp và Tiến sỹ Đinh Văn Nam. Thật đúng với câu ca:
Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa
Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà!
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, hiện nay, con cháu của dòng họ Đinh Văn đều cố gắng học tập và tu dưỡng, cần cù lao động, tiếp tục có nhiều cống hiến cho xã hội trên các lĩnh vực.
Nhà thờ Tiến sỹ Đinh Văn Chất được xây dựng vào thời Nguyễn tại làng Kim Khê, huyện Chân Lộc (nay thuộc xóm Kim La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Trải qua các thời kỳ lịch sử, mặc dù địa danh có nhiều thay đổi nhưng di tích vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu. Nhà thờ  được xây để thờ Tiến sỹ Đinh Văn Chất và các bậc tiên linh dòng họ Đinh Văn, xã Nghi Long, trong đó có một số nhân vật kiệt xuất, có nhiều công lao, đóng góp quan trọng cho nhân dân, đất nước, tiêu biểu như:
1. Tiến sỹ Đinh Văn Chất:
Đinh Văn Chất tên chữ là Dã Phu, hiệu là Trực Hiên, sinh năm 1843, con ông Đinh Văn Kế, cháu nội Tiến sĩ Đinh Văn Phác và là chắt ngoại của Đại thi hào Nguyễn Du. Từ nhỏ, Đinh Văn Chất đã được  dạy dỗ chu đáo về lễ nghĩa, phép tắc, tỏ rõ là người ham học, tư chất thông minh; ông tham dự các kỳ thi và lần lượt đỗ Tú tài, Cử nhân, đặc biệt  năm 1875, ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, đệ nhị danh. Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Tri phủ phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định); ông là một vị quan thanh liêm, có trách nhiệm, công minh, gắn bó với nhân dân nên rất được tín nhiệm. Nhờ vậy phủ Nghĩa Hưng thời kỳ này rất yên ổn. Năm 1882, ông được vua Tự Đức tặng thưởng Kim Khánh có khắc bốn chữ “Liêm, bình, cần, cán”.
Khi thực dân Pháp tấn công vào tỉnh Nam Định,  Đinh Văn Chất lúc đó được được triều đình phong làm tán tương quân vụ Nam Định với nhiệm vụ giữ thành Nghĩa Hưng, ông đã chỉ huy quân dân chiến đấu quyết liệt với địch, sau đó, do thế giặc quá mạnh nên phải rút lui. Sau khi kinh thành thất thủ, thấy được sự nhu nhược của triều đình, đặc biệt là việc ký với Pháp hai hiệp ước Hácmăng và Patơnốt, Đinh Văn Chất đã treo ấn từ quan về quê cùng với các Văn thân sĩ phu yêu nước hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiêu lập nghĩa binh chống Pháp.  Đinh Văn Chất đã cùng với nghĩa quân tổ chức nhiều trận chiến quyết liệt giữa nghĩa quân với thực dân Pháp ở nhiều địa bàn thuộc huyện Nghi Lộc và Thanh Chương…Phong trào diễn ra được một thời gian thì căn cứ bị lộ, địch bao vây, Đinh Văn Chất bị thực dân Pháp bắt và giao cho chính phủ Nam triều. Năm 1887, Triều đình kết ông tội “Khi quân” và hạ chiếu “tru di tam tộc”.  Ngày 28/11/1887 ông bị hành hình tại huyện Thanh Chương.
Sau khi Đinh Văn Chất hy sinh, 1 người con trai, 1 người con gái và 2 cháu của ông cũng bị thực dân Pháp giết hại. Bà con xóm làng đã tìm cách che dấu người con trai thứ hai của ông là Đinh Văn Chí (sau đổi tên là Đinh Văn Chấp) lúc bấy giờ mới 6 tuổi thoát khỏi án “tru di tam tộc”.
Để cổ vũ tinh thần yêu nước và đấu tranh của nhân dân ta, đồng thời lên án tội ác của thực dân Pháp, Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã viết về Đinh Văn Chất trong mục “Tiểu truyện các chí sĩ lúc mất nước”, như sau: “Đinh Văn Chất, người Nghệ An, ứng chiếu khởi nghĩa, quân thua bị bắt, người Pháp bêu cả thây…Ông Đinh trước xuất thân Tiến sĩ, làm quan ở phủ Nghĩa Hưng, rất được lòng quân dân, đánh nhau với quân Pháp thường thắng luôn. Thành Nam Định mất, phủ Nghĩa Hưng vẫn không hạ được, nên bị hình phạt thảm khốc như thế...”
Ghi nhớ công lao to lớn của ông, năm 1904, học trò, nhân dân cùng con cháu dòng họ đã dựng bia đá tại nhà thờ, khắc chữ Hán với nội dung ca ngợi công lao, nhân cách của Đinh Văn Chất. Năm 2003, tỉnh Nghệ An đã lấy tên ông để đặt tên cho một con đường tại thành phố Vinh.
2. Tiến sỹ Đinh Văn Chấp:
Đinh Văn Chấp sinh năm 1882, lúc nhỏ có tên là Đinh Văn Chí, là con trai thứ 2 của Tiến sỹ Đinh Văn Chất. Lúc 6 tuổi gia đình bị đại nạn, Đinh Văn Chấp được cứu thoát  rồi đưa sang Phúc Kiến (Trung Quốc) lánh nạn. Năm 1898, Đinh Văn Chí trở về nước, đổi tên thành Đinh Văn Chấp để tiếp tục được đi học.  Năm 1909, ông được một người thân thích giới thiệu vào học tại trường Quốc Tử Giám. Năm 1912, Đinh Văn Chấp thi đỗ Cử nhân. Đến năm 1913, Ông đỗ Đình nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), rồi được bổ chức Đốc Học Quảng Nam. Ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau như Tri phủ Vĩnh Linh, Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Tuần phủ Quảng Trị, Tri phủ Bồng Sơn, Án sát Khánh Hòa, Án sát Hà Tĩnh, Bố chánh Hà Tĩnh, Tuần phủ Quảng Ngãi, Tham tri bộ Kinh tế rồi Toản tu Quốc sử quán… Trong suốt thời gian giữ chức ông là người liêm khiết, thương dân và luôn tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền thực dân và tay sai; Sau một thời gian, ông xin cáo quan về quê.
Trong thời gian nghỉ hưu ở quê nhà, ông tập trung vào nghiên cứu về Phật học, thơ văn. Năm 1927, ông đã dịch 123 bài thơ Lý Trần đăng trên tạp chí Nam Phong và dịch nhiều bài thơ chữ Hán khác. Sự kiện này được đánh giá là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Lý – Trần  được dịch chuyển sang chữ Quốc ngữ, góp phần to lớn trong việc bảo tồn di sản thơ văn nói chung và văn học thời Lý - Trần nói riêng. Việc Đinh Văn Chất sử dụng chữ Quốc ngữ dịch thơ đã thể hiện tinh thần yêu nước, góp phần phổ biến chữ Quốc Ngữ, để rồi sau năm 1945 chữ Quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thức của nước ta.
Ngoài ra, ông còn đóng góp cho quê hương như bỏ tiền tu bổ cầu Khoa Trường, xây dựng giếng nước làng Kim Khê…ông mất năm 1953, thọ 71 tuổi, mộ táng tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Để ghi nhớ những đóng góp của ông, năm 2016, Thành phố Đà Nẵng đã lấy tên ông đặt tên một con đường tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
3. Tiến sỹ Đinh Văn Nam (Hòa thượng Thích Minh Châu):
Đinh Văn Nam, pháp danh là Tâm Trí, tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung, sinh năm 1918, là con trai của Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp, cháu nội của Tiến sĩ Đinh Văn Chất. Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, nho học. Từ nhỏ, Đinh Văn Nam đã rất chăm chỉ học hành, thông minh, mẫn tiệp và chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo từ cha mình. Ông tham gia hoạt động Phật giáo từ năm 1936, từ đây ông vừa nghiên cứu Phật học vừa đảm nhiệm chức Chánh văn phòng của Việt Nam phật học.
Từ năm 1953, ông du học tại Xrilanca, Colombo, rồi qua Ấn Độ. Ông thi đậu bằng Thạc sĩ Anh Văn đặc biệt, Tiến sĩ Phật học, Tiến sĩ Pàli tại Ấn Độ. Sau đó, ông được mời ở lại giảng dạy tại trường Bihar, thuộc viện đại học Nalanda, Ấn Độ. Đến năm 1964, ông về nước và giữ nhiều chức vụ khác nhau như Phó viện trưởng viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn; Phó chủ tịch Hội đồng chứng minh giáo hội Phật giáo Việt Nam; phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam; phó chủ tịch hội Phật giáo Châu Á vì hòa bình; Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phật học Việt Nam; là đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX.
Ông đã để lại một kho tàng trước tác và dịch thuật về Phật giáo đồ sộ, có giá trị to lớn. Hòa thượng Thích Minh Châu là người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo tại Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong việc thống nhất các tổ chức Phật giáo, giáo dục, đoàn kết và phát huy các giá trị tích cực của Phật giáo để xây dựng xã hội tốt đẹp; là tấm gương sáng cho việc học tập, nghiên cứu về Phật pháp cho các Tăng ni, phật tử…Ông đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhì (2002), Huân chương Hồ Chí Minh (2011), Huân chương đại đoàn kết và nhiều phần thưởng cao quý khác. ông viên tịch tại Thiền viện Vạn Hạnh, thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2012. Hiện nay, Hòa thượng Thích Minh Châu được thờ tự ở nhiều Chùa trên cả nước.
Ngoài những nhân vật trên, tại nhà thờ còn bài trí thờ phụng các vị tiên linh của dòng họ, trong đó có nhiều người đỗ đạt, làm quan trong triều đình như: Phó sứ Đinh Hồng Phiên, Tiến sỹ Đinh Văn Phác, Đinh Văn Kế…
Di tích không những là nơi thờ tự các nhân vật lịch sử, nhà khoa bảng có công với dân, với nước mà đây còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cụ thể: Nơi đóng quân của Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57 từ năm 1948 – 1949; nơi dạy học của Khoa Toán, trường Đại học Vinh từ năm 1964 – 1966; nơi cất giữ lương thực của nhà nước từ năm 1966 – 1972...
Nhà thờ Tiến sỹ Đinh Văn Chất là công trình cổ kính, nơi kết tinh nhiều giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa.
Về Giá trị lịch sử: Di tích là nơi thờ phụng Tiến sỹ Đinh Văn Chất và các bậc tiền nhân của dòng họ  với nhiều người đỗ đại khoa, có những công lao đối với dân với nước, các nhân vật được thờ tại đây sống ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, trong bối cảnh xã hội khác nhau. Qua nghiên cứu về di tích cũng như các nhân vật thờ tự tại đây đã cung cấp thêm các tư liệu quý về giáo dục khoa bảng thời phong kiến, về truyền thống của một dòng họ khoa bảng với nhiều tiến sỹ, hương cống, cử nhân…thể hiện truyền thống hiếu học tại làng Kim Khê xưa (nay thuộc là xã Nghi Long) nói riêng và huyện Nghi Lộc nói chung. Sự tồn tại của di tích gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử xã Nghi Long cũng như lịch sử huyện Nghi Lộc. Thông qua lịch sử xây dựng di tích, chúng ta hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của các làng xã trên quê hương Nghi Lộc.
Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được một số tài liệu quý như bia đá, gia phả, hoành phi, một số bản sao văn thơ Lý – Trần do Đinh Văn Chấp dịch là những tư liệu lịch sử quý giá có ý nghĩa quan trọng giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, thể hiện ý nghĩa về nghệ thuật, văn học đương thời.
Về giá trị văn hóa: Nhà thờ Tiến sĩ Đinh Văn Chất là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi cố kết tình cảm bền chặt của con cháu trong dòng họ. Tại di tích, hàng năm diễn ra các hoạt động của hậu duệ hướng về tiên tổ, đây là dịp để con cháu gần xa hội tụ nhằm tri ân tiên tổ và gặp gỡ thắt chặt tình đoàn kết, tiếp nối và tôn vinh những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ.
Qua nghiên cứu về các nhân vật được thờ tại Nhà thờ, đã toát lên giá trị, truyền thống quý báu của Dòng họ Đinh văn, đó là tinh thần yêu nước, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Dòng họ có nhiều người học rộng, đỗ đạt cao, nhiều người làm đại quan trong triều đình, nhưng khi đất nước bị xâm lăng, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình, gia tộc, xả thân vì dân vì nước, thậm chí phải đối mặt với án “Tru di tam tộc” vẫn không hề nao núng. Truyền thống đó chính là viên ngọc quý, là niềm tự hào của con cháu muôn đời sau.  
Với những giá trị như trên của Di tích, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4065/QĐ-UBND ngày 13/11/2020 xếp hạng Nhà thờ Tiến Sỹ Đinh Văn Chất là di tích lịch sử cấp tỉnh, là điều kiện quan trọng để tiếp tục bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích trong thời gian tới.
Một số hình ảnh minh hoạ:
 

Tác giả bài viết: Nghi Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
maps
Dịch vụ công trực tuyến
Công báo nghệ an
Thư điẹn tử
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành
Hỏi đáp
Thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Thông tin người phát ngôn
Thông tin doanh nghiệp, cơ hội đầu tư
Thông tin các dự án, hạng mục đầu tư
Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay403
  • Tháng hiện tại10,903
  • Tổng lượt truy cập471,941
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây